Hiện nay bệnh tiểu đường được chia làm 2 nhóm chính là tiểu đường tuyp 1 và tiểu đường tuyp 2. Nếu như tiểu đường tuyp 1 liên quan nhiều đến sự suy giảm chức năng của tuyến tụy, nơi sản xuất ra insulin với vai trò chuyển hóa đường gluco thành glicogen dự trữ trong gan và cơ, giúp hạ đường huyết thì tiểu đường tuýp 2 lại có mối liên hệ mật thiết với chế độ dinh dưỡng có hàm lượng đường cao, khiến cơ thể quá tải và gây nên bệnh tiểu đường. Như vậy nhìn chung, dù có 2 nguyên nhân khác nhau nhưng tiểu đường tuyp 1 và 2 đều có thể kiểm soát hiệu quả bằng con đường thực dưỡng. Và ngay sau đây, bepbep xin chia sẻ tới quý độc giả danh sách các món ăn cho người tiểu đường để cải thiện đáng kể tình trạng bệnh, chúng ta hãy cùng tham khảo nhé!
1. Canh mướp đắng nhồi thịt
Bạn có biết vì sao canh mướp đắng lại có mặt trong danh sách các món ăn cho người tiểu đường? Để bepbep chia sẻ một chút nhé! Hoạt chất charatin và glycoside steroide trong mướp đắng có tác động tích cực theo cả hai hướng: kích thích sản sinh insulin chuyển hóa đường glucozo và trực tiếp làm giảm hàm lượng đường này trong máu. Sự đẩy nhanh việc tiết insulin của tuyến tụy và cải thiện khả năng hấp thu đường glucozo của các tế bào trong cơ thể đã giúp đường huyết được kiểm soát, trở về mức ổn định. Bên cạnh đó, thịt heo lại giúp bổ sung nguồn năng lượng cần thiết cho người tiểu đường bởi chế độ cắt giảm tinh bột của họ sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến nhu cầu năng lượng của cơ thể. Thật đa tác dụng phải không nào?
Chuẩn bị: mướp đắng 3-5 quả, thịt nạc vai 300g, mộc nhĩ 10 tai, hành tươi, mùi tàu, hành khô, gia vị cơ bản
Cách làm:
– Mướp đắng rạch dọc, bỏ ruột, cắt hai đầu rồi để nguyên hoặc cắt khúc (để nhồi thịt) tùy thích, sau đó rửa sạch để ráo
– Mộc nhĩ ngâm nước ấm trong 5 phút, bỏ gốc, rửa sạch băm nhuyễn; hành khô bóc vỏ, rửa sạch băm nhuyễn
– Thịt nạc chọn loại nạc vai, xay nhuyễn sau đó trộn với mộc nhĩ, hành khô, nêm chút gia vị rồi ướp trong 15 phút, sau đó nhồi vào mướp đắng
– Rau gia vị bỏ gốc, rửa sạch, cắt khúc rồi để ráo
– Đun sôi nước, sau đó cho mướp đắng vào nồi, đun chừng 15 phút để thịt và mướp đắng chín tới rồi cho hành mùi vào, nêm gia vị vừa ăn sau đó tắt bếp, bắc ra dùng nóng
2. Cháo cà rốt
Cà rốt xưa nay được biết đến với 2 tác dụng cơ bản là ổn định đường ruột và làm sáng mắt. Do đặc tính nồng độ đường cao, dễ gây nhiễm trùng nên người tiểu đường thường gặp nhiều vấn đề về mắt, do đó việc bổ sung thực phẩm giàu beta carotene như cà rốt là điều rất cần thiết. Chưa hết, cà rốt còn hàm chứa một lượng lớn insulin có nguồn gốc thực vật, hợp chất này sẽ thay thế hoặc hỗ trợ vai trò của insulin tự sinh trong cơ thể, giúp kiểm soát đường huyết và ngăn chặn nguy cơ béo phì. Vậy bạn còn chần chờ gì mà chưa thử một trong các món ăn cho người tiểu đường này?
Chuẩn bị: Cà rốt tươi 1-2 củ, gạo nếp trộn gạo tẻ theo tỉ lệ 1-2 (nắm), gia vị cơ bản
Cách làm:
– Cà rốt cạo vỏ, rửa sạch sau đó cắt lát
– Gạo ngâm khoảng 2 tiếng cho nở ra, rồi rửa sạch, để ráo
– Rang gạo cho thơm sau đó đổ khoảng 1,5l nước vào nồi nấu cùng gạo, khi nước sôi cho cà rốt vào. Đun đến khi gạo và cà rốt chín nhừ, bở tơi thì nêm gia vị rồi bắc ra dùng nóng.
3. Ốc bươu bung củ chuối
Ốc bươu và củ chuối hột đều là những thành phần có lợi cho người tiểu đường. Cụ thê, ốc bươu có tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu, tăng hấp thu đường, giúp hỗ trợ chức năng của insulin. Trong khi đó, củ chuối hột lại có khả năng trị chứng khát nước, một biểu hiện điển hình của người mắc bệnh tiểu đường. Ngoài ra, cả hai thực phẩm đều rất ít carbonhidrat, giúp giảm gánh nặng về hàm lượng đường cao cho cơ thể. Và cuối cùng, mùi vị hấp dẫn của món ăn ngon này sẽ giúp kích thích vị giác, cải thiện chứng nhạt miệng, biếng ăn ở những bệnh nhân có đường huyết tăng cao.
Chuẩn bị: Ốc bươu 1kg, thịt ba chỉ 2 lạng, đậu phụ rán 3 bìa nhỏ, củ chuối hột non 1 củ, nghệ, khế, mẻ, mắm tôm, gia vị cơ bản
Cách làm:
– Ốc bươu ngâm trong nước vo gạo hoặc nước sạch, cho vào chút ớt hoặc dao sắt để ốc bươu nhả hết bẩn và nhớt. Sau đó rửa sạch, đổ xâm xấp nước đậy vung luộc rồi bắc ra khều lấy phần đầu (bỏ phần đuôi có nhiều ốc con và bùn đất, sán)
– Thịt ba chỉ rửa sạch, thái mỏng rồi ướp cùng nước nghệ, mẻ, mắm tôm cùng ốc bươu
– Củ chuối làm sạch, thái mỏng, ngâm trong nước muối khoảng 30 phút sau đó rửa sạch, cho vào nồi nước ninh nhừ
– Sau 1-2 tiếng, khi củ chuối đã nhừ thì cho hỗn hợp nguyên liệu vào, đun sôi và để lửa liu riu trong 20-30 phút, sau đó nêm gia vị vừa ăn, có thể dùng thêm rau gia vị như tía tô, hành,… và tắt bếp, bắc ra dùng nóng
4. Canh lá hẹ
Theo Đông y, lá hẹ có tác dụng bổ khí, tráng dương, ấm ngũ tạng, đặc biệt là khả năng làm giảm lượng đường trong máu nhờ hoạt chất giúp kích thích hoạt động tiết insulin của tuyến tụy. Chính vì vậy khi nói về các món ăn cho người tiểu đường, chúng ta không thể không liệt kê món canh thanh mát này.
Chuẩn bị: lá hẹ tươi 200g, tôm 50g, cà chua 1 quả, đậu phụ 2 bìa, hành tím, gia vị cơ bản
Cách làm:
– Lá hẹ tươi rửa sạch, cắt khúc vừa ăn; tôm bóc vỏ, rửa sạch; đậu phù cắt miếng vuông vừa ăn; cà chua rửa sạch, bổ múi cau; hành tím bóc vỏ, rửa sạch rồi băm nhuyễn
– Cho dầu ăn vào nồi phi thơm hành tím, sau đó xào thơm cho chín mềm, dậy mùi thì cho nước vừa ăn vào.
– Khi nước sôi, cho đậu phụ, cà chua và lá hẹ vào nấu cùng và khi các loại rau quả chín tới thì tắt bếp, nêm gia vị vừa ăn.
Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về các món ăn cho người tiểu đường bạn nhất định phải biết. Sau cùng, chúc bạn chế biến thành công các món ăn này, luôn khỏe mạnh và xin chân thành cảm ơn vì đã tham khảo bài viết! Trân trọng!