Người Việt Nam quan niệm ngày 23 tháng Chạp hàng năm là ngày Táo quân (vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp) lên chầu trời. Ngày này, các gia đình người Việt sẽ kính cẩn dâng lễ tiễn đưa ông Táo về chầu Ngọc Hoàng, với hy vọng Táo Quân sẽ giúp họ giữ “ bếp lửa” trong gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc. Vậy chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Táo như nào cho đúng nghi lễ? Cùng Bepbep.vn tìm hiểu ngay nhé!
1. Đôi nét về phong tục cúng ông Táo
Truyền thuyết kể rằng, Táo quân được ông Trời phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm thiện ác của loài người. Sau đó, hằng năm vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân lại cưỡi cá chép hóa Rồng lên Thiên đình và báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong năm.
Sau đó, Thiên đình sẽ định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả loài người. Đến đêm Giao thừa, Táo quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa gia đình.
Ông Táo còn là vị thần cai quản mọi hoạt động của gia chủ. Ông là vị thần ảnh hưởng đến sự may, rủi, phúc họa của cả gia chủ. Còn ông Công là thần giữ nhà, giữ đất của mỗi gia đình.
Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, “cá vượt vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công. Biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp.
Chính vì vậy, tục cúng ông Táo mang ý nghĩa cầu mong cho sự ấm no, đầy đủ và ý nghĩa thờ “thần Bếp” chuyên cai quản việc bếp núc. Tục cúng này còn giúp con người tích cực sống hướng thiện hơn.
2. Lễ vật cúng ông Công ông Táo
Lễ vật cúng ông Táo truyền thống gồm có:
– Mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc: hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn.
– Tiền vàng.
– 1 chiếc áo, 1 đôi hài bằng giấy và hình cá chép bằng giấy.
Những bộ lễ vật này thường được bày bán tại các chợ rất nhiều, không khó để tìm mua một bộ lễ vật cúng. Bạn chỉ cần đến và yêu cầu mua bộ cúng ông Táo là đã có tất cả. Ngoài ra thường ở miền Bắc người ta còn cúng một con cá chép sống thả trong chậu nước ngụ ý “cá chép hóa rồng” nhưng tại Nam Bộ thường dùng cá chép giấy nhiều hơn.
3. Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo
Tùy theo từng gia cảnh, ngoài các lễ vật chính kể trên, người ta hoặc làm lễ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng…) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc…) để tiễn Táo quân.
Mâm cúng ông Táo cơ bản bao gồm:
– Thịt heo luộc.
– Gà luộc hoặc quay.
– Đĩa rau xào.
– Hành muối.
– Xôi gấc
– Giò heo
– Canh mọc.
– Cá chép nướng
– Trái cây tươi, trà, rượu, cau trầu,…
Ngày nay, mâm cỗ cúng ông Táo được đơn giản khá nhiều, không bắt buộc phải đầy đủ tất cả các món như mâm cỗ truyền thống, chủ yếu phụ thuộc vào văn hóa vùng miền, hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, khẩu vị của mỗi gia đình. Bởi vì lòng thành mới là điều quan trọng nhất khi cúng ông Công ông Táo.
4. Thời gian cúng ông Táo
Theo các chuyên gia phong thuỷ, lễ cúng ông Táo cần phải được thực hiện trước khi ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc hoàng, tức là trước 12h ngày 23 tháng Chạp.
Vì vậy, tùy theo điều kiện thời gian của từng nhà có thể cúng ông Táo vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng 23 tháng Chạp.
Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa, lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để thả cá chở ông Táo lên chầu Trời.
Tiễn ông Táo về trời là phong tục truyền thống của người Việt vào những ngày cuối năm. Đây được xem là thời khắc quan trọng mà mọi người mong muốn ông Táo trình báo những vấn đề xảy ra trong năm qua và mong Ngọc Hoàng giúp đỡ nhân dân để một năm mới thuận lợi hơn. Thế nên bạn cần quan tâm đến những vật cúng trong ngày đưa ông Táo về trời để tỏ rõ thành ý của mình.
5. Những lưu ý khi cúng ông Táo để tránh mất lộc
Việc cúng lễ trong ngày 23 tháng Chạp không nhất thiết quá cầu kỳ. Tùy điều kiện và hoàn cảnh, các gia đình có thể chuẩn bị mâm cỗ chay hoặc mặn. Tuy nhiên, vẫn cần một số lưu ý khi cúng ông Công ông Táo để tránh mất lộc và mang đến điều không may mắn cho gia chủ.
Không đặt mâm cúng dưới bếp
Nhiều người quan niệm, ông Công là thần thổ công, vị thần cai quản đất đai trong nhà thì cần được cúng trên bàn thờ chính trong nhà. Nhưng với ông Táo là thần Bếp nên sẽ được cúng ở dưới bếp.Tuy nhiên, theo truyền thống, tất cả các vị này đều cần được thờ phụng trên bàn thờ chính của gia đình. Hơn nữa, bếp là nơi đun nấu, không phải nơi để cúng lễ. Do đó, mâm cỗ cúng 23 tháng Chạp cần được thực hiện ở nơi sạch sẽ, trang nghiêm nhất trong nhà.
Không nên cầu xin tài lộc
Nhiều người vẫn thường xin tài lộc khi cúng. Tuy nhiên điều này được cho là không nên khi cúng ông Công ông Táo. Bởi lẽ lễ cúng 23 tháng Chạp mang ý nghĩa tiễn ông Công ông Táo về trời để báo cáo việc lớn việc nhỏ trong năm của gia chủ với thiên đình. Vì vậy, các gia đình chỉ nên khấn xin ông Táo báo những việc tốt đẹp trong năm.
Tránh phóng sinh thành sát sinh
Sau lễ cúng, các gia đình thường tiến hành hóa vàng. Sau đó, họ rải tro xuống sông hồ kết hợp với phóng sinh cá chép đã cúng ông Táo. Tuy nhiên, một số người đứng ở trên cầu cao thả cá xuống sông. Điều này sẽ làm chết cá đi ngược lại ý nghĩa phóng sinh “phương tiện” đi lại của ông Táo.
Bên cạnh đó, việc thờ cúng quá nhiều vàng mã sau đó hóa vàng rồi đổ ra sông, hồ cũng góp phần gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, bạn nên chọn một địa điểm mép nước ở sông, hồ và thả cá từ từ. Đặc biệt, không nên ném cả túi nilông xuống nước để tránh gây ô nhiễm môi trường và có thể khiến các sinh vật dưới nước bị mắc phải, làm mất đi ý nghĩa phóng sinh của ngày lễ.
Tết ông Công ông Táo với tục lệ phóng sinh cá chép là một trong những nét đẹp văn hóa được lưu truyền bao đời nay của người Việt Nam. Ý nghĩa của cúng ông Táo khi được thực hiện đúng sẽ góp phần giúp cho tâm bạn được bình an, thư thái hơn để chào đón một năm mới sung túc, ấm no.