Mâm lễ cúng rằm tháng Bảy chuẩn phong tục Việt

Tháng 7 âm lịch, mưa chưa ráo nắng đã lấp ló ngọn cây. Bầu trời phết lớp mây mỏng, gió nhè nhẹ và phảng phất chút sương mù như hoài niệm. Trong tiết trời kì lạ ấy, chúng ta đang chờ đón một ngày lễ đặc biệt, ngày những người con tựu tề bên cha mẹ, ngày tri ân báo hiếu gia tiên – Lễ Vu Lan và Tục Cúng Rằm tháng Bảy. Đây là một trong những nét đẹp văn hóa vốn ăn sâu vào nếp sống của người Việt từ hàng ngàn năm nay. Vậy bạn hiểu gì về Tục Cúng Rằm tháng Bảy và theo phong tục người Việt thì mâm lễ cúng rằm tháng Bảy đầy đủ và chỉn chu phải bao gồm những gì? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về vấn đề này trong bài viết ngay sau đây của bepbep.vn nhé!

1. Nguồn gốc tục cúng rằm tháng Bảy

Mâm lễ cúng rằm tháng Bảy chuẩn phong tục Việt-1

Khi nói đến rằm tháng Bảy, trong dân gian song hành hai điển tích, một là điển tích Mục Kiền Liên cứu mẹ và hai là điển tích về ngày Xá tội vong nhân.

Chuyện kể rằng từ ngàn xưa, bà Thanh Đề – mẹ Đức Mục Kiền Liên là người sống tham lam, hoang phí và độc ác, không tin vào sự tồn tại của Phật giáo và Tam Bảo. Người con trai của bà, Mục Kiền Liên thì hoàn toàn ngược lại. Sau khi mẹ qua đời, Mục Kiền Liên xuất gia học Phật, trở thành một đệ tử ưu tú của Đức Phật và nhờ lĩnh hội được phép thần thông nên Mục Kiền Liên đã dùng Tuệ nhãn để tìm mẹ, cuối cùng ông nhìn thấy mẹ ở kiếp Ngạ Quỷ của Địa Ngục. Nhìn thấy mẹ đói khát, khốn khổ, tóc tai bù xù, thân mình chỉ còn da bọc xương, Mục Kiền Liên vô cùng đau xót, ông đã dâng mẹ một bát cơm nhưng vì chịu tội quá nặng, khi bà Thanh Đề đưa cơm lên miệng thì cơm hóa lửa đỏ, không thể ăn được. Không còn cách nào khác, Mục Kiền Liên liền tìm tới Đức Thế Tôn để cầu xin sự giúp đỡ. Nghe qua chuyện, Đức Thế Tôn nói rằng nếu muốn cứu mẹ thoát khỏi nơi Ngạ Quỷ, được vãng sanh về cõi lành thì vào ngày 15/7 âm, trùng với ngày Tự Tứ của chư Tăng, Mục Kiền Liên hãy mời các nhà sư lại và sắm đồ, làm lễ cúng dường Tam Bảo để sinh phước lành cứu mẹ. Và nhờ thực hiện theo lời Đức Phật mà bà Thanh Đề, mẹ của Đức Mục Kiền Liên đã thoát khỏi kiếp đọa đày nơi địa ngục. Từ đó trở đi, Rằm tháng Bảy âm lịch trở thành ngày Báo hiếu, ứng với lễ Vu Lan trong phật giáo.

Về ngày xá tội vong nhân, theo dân gian truyền lại, từ ngày 2 đến ngày 15 âm lịch được xem là thời điểm Diêm Vương mở Quỷ Môn Quan nhằm xá tội vong nhân, để các vong hồn trở về trần giới, thụ hưởng những lễ vật mà người trần cúng tế và ngày 15 là ngày giới hạn, khóa Quỷ Môn Quan. Chính vì vậy, việc cúng Rằm tháng Bảy không hiểu theo nghĩa cúng chính ngày 15 mà có thể cúng ở bất kỳ thời gian nào, tính từ ngày 2 đến ngày 15 tháng Bảy.

Như vậy, dù là hai điển tích khác nhau nhưng điểm chung vẫn là sự báo đáp, tri ân các đấng sinh thành và việc cúng rằm tháng bảy không có mục đích nào khác là cầu Âm siêu, Dương thái, nghĩa là cầu mong cho những người đã khuất được siêu thoát, vãng sanh và cầu cho người trần có được cuộc sống bình an, thịnh vượng.

2. Mâm lễ cúng rằm tháng Bảy cần chuẩn bị những gì?

Lễ cúng rằm tháng bảy thường được phân thành ba lễ chính, đó là lễ cúng Phật, lễ cúng Gia tiên và lễ cúng Cô hồn, chúng ta hãy cùng điểm xem trong mỗi mâm lễ này cần chuẩn bị những gì nhé!

2.1. Lễ cúng Phật

Mâm lễ cúng rằm tháng Bảy chuẩn phong tục Việt-3

Không chỉ ngày rằm tháng Bảy, đối với tất cả những ngày rằm, mồng một trong năm, cúng Phật đã trở thành nếp sống của những gia đình đi theo tín ngưỡng Phật giáo (bao gồm những người theo Đạo Phật và những người sống hướng Phật). Và điều này lại càng trở nên có ý nghĩa trong rằm tháng Bảy – Lễ Vu Lan báo hiếu, thời điểm khiến chúng ta nhớ thời lời khuyên của Đức Thế Tôn với Mục Kiền Liên, đó là hãy cúng Phật, cúng dường Tam Bảo để có được phúc lành cho mẹ. Với những ai làm lễ cúng Phật trong ngày rằm tháng Bảy hẳn cũng không nằm ngoài mong muốn ấy, rằng nếu gia tiên có ai đó chưa thể vãng sanh, đang bị đọa đầy thì thành ý của con cháu sẽ được Chư Phật chứng tâm, mở lòng cứu giúp vong nhân còn vất vưởng. Từ thành ý ấy, ngày nay, mâm lễ Cúng Phật thại Việt Nam thường chuẩn bị những món chay sau:

– Xôi: các món xôi ở nước ta rất đa dạng, có thể là xôi đậu xanh, xôi gấc, xôi đậu đỏ, xôi vò…tùy gia chủ

– Nem chay (làm từ rau củ quả, chỉ nêm muối, không mắm hay bột canh)

– Đậu phụ rán hoặc chọn loại non để sốt nấm

– Giò hoặc chả chay

– Canh rau củ chay

– Cải xào nấm hương

2.2. Lễ cúng Gia tiên

Mâm lễ cúng rằm tháng Bảy chuẩn phong tục Việt-2

Nếu như những năm về trước, lễ cúng gia tiên thường rất đa dạng về thành phần món ăn và tùy theo điều kiện gia đình mà có thể làm cỗ “thết đãi” gia tiên như khi họ còn sống, trong đó phần lớn là nấu cỗ mặn thì ngày nay, khi được tìm hiểu nhiều về Phật Pháp, nhiều gia đình dần chuyển sang mâm cỗ chay bởi Phật Giáo cho rằng việc sát sinh là điều không tốt cho người đã khuất và cả con cháu sau này. Theo đó, nếu dùng mâm cỗ chay thì các món sẽ tương tự như lễ cúng Phật, bao gồm: xôi, giò chả chay, canh rau củ, cải xào, đậu phụ sốt nấm… Còn nếu dùng cỗ mặn, bạn có thể lựa chọn món đa dạng và lưu ý không không cho tỏi vào các món ăn này, cụ thể là:

– Gà luộc

– Xôi dừa/đậu xanh/gấc….

– Canh miến

– Thịt bò xào rau củ

– Giò chả

– Nem cuốn

– Chè ngọt

– Bánh chưng

Ngoài mâm cơm cúng, các gia đình còn chuẩn bị muối, gạo, vàng mã và đặc biệt là đồ dùng được làm bằng giấy (quần áo,…) để dâng lên gia tiên trong ngày Rằm tháng Bảy.

2.3. Lễ cúng Cô hồn

Mâm lễ cúng rằm tháng Bảy chuẩn phong tục Việt-4

Cô hồn được hiểu là những vong hồn vất vưởng, không có người thờ cúng, không có nơi đi về và để bày tỏ nỗi thương xót, lòng từ bi, hằng năm vào dịp Rằm tháng Bảy, mỗi gia đình đều chuẩn bị một lễ cúng Cô hồn, bày biện ngoài trời để cúng chúng sinh. Thông thường, để ức chế lòng tham, mâm cúng Cô hồn sẽ không bao hàm các món mặn mà chỉ có các món ngọt và đồ chay, cụ thể là:

– Bim bim, kẹo, bỏng gạo, bánh gạo

– Quả tươi: hồng, na, bưởi, nhãn, lựu…

– Cháo trắng nấu loãng

– Nước lọc

– Vàng mã

– Gạo, muối, đường

– Quần áo chúng sinh

Đặc biệt, trong lễ cúng Gia tiên và lễ cúng Phật thì sau khi tàn hương, muối và gạo sẽ được trộn lại và vung về nhiều hướng để nhằm xua đuổi tà ma, mở lối cho các vong hồn lên đường, qua Quỷ Môn Quan được thuận đường, suôn sẻ. Vì lễ cúng Rằm tháng Bảy diễn ra trong suốt nửa đầu tháng Bảy âm lịch, từ nhà này đến nhà khác nên đây cũng được xem là thời điểm nhạy cảm về tâm linh và  theo các chuyên gia về Đông phương học, chúng ta nên hạn chế ra đường trong những ngày này, đặc biệt là vào giờ chính Tý (12 giờ trưa và 12 giờ đêm).

Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về Tục Cúng rằm tháng Bảy, một trong những nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt. Hi vọng đây sẽ là cẩm nang hữu ích dành cho những ai đang tìm hiểu về ngày lễ đặc biệt này và xin chân thành cảm ơn vì đã tham khảo bài viết của Bepbep.vn! Trân trọng!

0