6 sai lầm khi nấu cháo cho trẻ ăn dặm

Ăn dặm được hiểu là thời điểm bé bắt đầu tập ăn và chuyển giao dần từ ăn sữa là chính sang ăn thực phẩm là chính. Giai đoạn này thường kéo dài 6 tháng, từ khi bé tròn 6 tháng cho đến khi bé tròn 1 tuổi. Vậy mẹ thường gặp phải những sai lầm nào khi nấu cháo cho trẻ ăn dặm? Hãy điểm qua 6 thói quen dưới đây để xem mình có vướng phải thiếu sót nào không các mẹ nhé!

1. Thêm muối/bột canh vào cháo cho trẻ ăn dặm

6 sai lầm khi nấu cháo cho trẻ ăn dặm-1

Các mẹ có biết lượng muối tự nhiên có trong gạo, rau củ quả, thịt động vật là vừa đủ cho cơ thể của trẻ dưới một tuổi? Việc nêm gia vị, đặc biệt là muối/bột canh sẽ gây dư thừa muối, khiến bé đối mặt với các vấn đề như suy thận, tăng nhịp tim, cao huyết áp, suy giảm trí tuệ,… Không chỉ vậy, nguy hiểm hơn là tập cho bé thói quen ăn mặn cho đến khi trưởng thành, kéo theo hàng loạt những hệ lụy khó lường về tim mạch, thận, tiêu hóa, thần kinh ở độ tuổi trung niên. Thật đáng sợ phải không nào?

2. Không cho dầu/mỡ vào cháo ăn dặm của bé

6 sai lầm khi nấu cháo cho trẻ ăn dặm-2

Dầu mỡ có thể không tốt với người trưởng thành nhưng với trẻ nhỏ, đây là nguồn dưỡng chất vô cùng quan trọng, cần thiết cho nhiều quá trình trao đổi chất ở bé. Cụ thể, nhiều vitamin quan trọng của cơ thể như vitamin A, E, D, K… chỉ hấp thụ được trong dung môi là dầu mỡ, nếu không cho trẻ sử dụng dầu mỡ sẽ làm hạn chế khả năng hấp thu các vitamin thiết yếu này, khiến bé còi xương, chậm phát triển…. Không chỉ vậy, DHA mà điển hình là Omega-3, một chất béo là thành phần chính của noron thần kinh sẽ bị thiếu hụt nếu chúng ta nói không với dưỡng chất quý giá này. Chính vì thế, hãy cho trẻ ăn đa dạng các món, đừng quên cho thêm một chút dầu ăn hoặc mỡ động vật ngay khi tắt bếp đối với cháo ăn dặm của bé bạn nhé!

3. Vo gạo quá kỹ

6 sai lầm khi nấu cháo cho trẻ ăn dặm-4

Khi nấu cháo cho trẻ ăn dặm, vo gạo là khâu bắt buộc và có ý nghĩa làm sạch. Tuy nhiên, nếu vo gạo quá kỹ bạn sẽ làm mất đi vitamin B1 – một loại vitamin tối quan trọng và tập trung chủ yếu ở lớp cám phía ngoài của hạt gạo và nếu không được bổ sung đúng cách, trẻ sẽ gặp phải các vấn đề như: biếng ăn, táo bón, đau nhức tay chân, tê phù… Do đó, chúng ta nên nhặt kỹ gạo trước khi vo và khi vo, không chà xát gạo quá mạnh, chỉ vo nhẹ nhàng một lần rồi loại bỏ trấu sạn, cho vào nồi và ninh kỹ.

4. Lấy nước hầm xương để nấu cháo cho trẻ ăn dặm

6 sai lầm khi nấu cháo cho trẻ ăn dặm-3

Thời xưa, rất nhiều bà mẹ “thần thánh” hóa nước hầm xương và thường dùng nó để nấu cháo cho trẻ ăn dặm, xem như vậy là đủ dinh dưỡng cho bé. Tuy nhiên đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm.

Theo phân tích của các chuyên gia, chỉ có 5% các vi chất từ tủy xương hòa tan vào nước hầm xương, còn lại vẫn nằm trong tủy và nước hầm xương có thành phần dinh dưỡng khá nghèo nàn, nếu không muốn nói là thiếu rất nhiều vi chất quan trọng. Trong một diễn biến khác, nhiều mẹ còn cho rằng ninh xương sẽ làm tan canxi – thành phần chính của xương, nhờ vậy mà giúp bé bổ sung canxi nhờ con đường này. Thực tế lại hoàn toàn khác, canxi không hòa tan trong nước như nhiều mẹ lầm tưởng. Chính vì thế, bên cạnh nước hầm xương, các mẹ cần băm nhỏ đạm động vật để cung cấp dưỡng chất cho bé thông qua cháo ăn dặm, có như vậy bé mới khỏe mạnh và tăng cân đúng chuẩn.

5. Không thay đổi độ đậm đặc của cháo ăn dặm

6 sai lầm khi nấu cháo cho trẻ ăn dặm-8

Ăn dặm không chỉ đơn thuần là cung cấp dưỡng chất cho bé, nó  còn là hành trình học ăn, thưởng thức và làm quen với các loại thức ăn đồng thời cải thiện cơ hàm nhai. Do đó, bạn không thể nấu cháo cùng một đôj đậm đặc ở các giai đoạn phát triển khác nhau của trẻ mà cần thay đổi theo từng bước: 6 tháng ăn cháo loãng xay nhuyễn, 7-8 tháng ăn cháo xay nhuyễn nhưng đặc hơn và đến 11-12 tháng, hãy để bé tập ăn với cháo hạt loãng. Cố gắng tránh xa tình trạng để bé ăn cháo xay nhuyễn đến qua tuổi ăn dặm, khiến bé gặp nhiều hạn chế trong việc ăn các loại thức ăn thô sau này.

6. Thực đơn nghèo nàn, ít khi đổi món

6 sai lầm khi nấu cháo cho trẻ ăn dặm-5

Một món ăn ngon khi được sử dụng quá thường xuyên cũng sẽ gây cảm giác chán ăn. Cũng là cháo ăn dặm nhưng bạn có thể chế biến nó theo nhiều cách khác nhau với nguyên liệu khác nhau: bí đỏ, bí ngòi, rau ngót, rau cải, thịt gà, thịt heo, cá hồi, hạt sen….vv để kích thích vị giác của trẻ. Nên nhớ, thực đơn nghèo nàn không chỉ mang lại cảm giác biếng ăn, khiến bé khó hợp tác mà việc ăn thường xuyên một vài loại thức ăn có thể dẫn tới thiếu chất bởi bạn biết đấy, mỗi loại thức ăn chỉ cung cấp cho bé một nguồn dưỡng chất nhất định. Chính vì vậy, hãy phong phú hóa thực đơn ăn dặm của trẻ lên bạn nhé!

Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về 6 sai lầm khi nấu cháo cho trẻ ăn dặm. Có thể nói đây là những thói quen mà nhiều bà mẹ, nhiều bà nội trợ mắc phải. Còn bạn thì sao? Bạn có phạm phải sai lầm nào không? Hãy khắc phục ngay và chúc cho bé con của gia đình luôn khỏe mạnh và hay ăn, chóng lớn nhé! Trân trọng!

0