Gạo là một loại lương thực quan trọng đối với người dân Việt Nam. Ngoài gạo trắng thông thường, gạo lứt ngày cành được nhiều người sử dụng với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Vậy gạo lứt là gì? Có những loại gạo lứt nào? Cách nấu và ăn gạo lứt ngon và đảm bảo dinh dưỡng nhất. Cùng Bếp Bếp tham khảo ở bài viết dưới đây nhé.
1. Gạo lứt là gì?
Gạo lứt là loại gạo chỉ được xay sơ qua để loại bỏ vỏ trấu, để lại lớp vỏ lụa được bao quanh ngoài hạt gạo. Phần gạo này rất giàu dinh dưỡng, đặc biệt là các nguyên tố, sinh tố vi lượng.
Gạo lứt còn được biết đến với các tên gọi như gạo rằn, gạo lật.
Khi ăn gạo lứt, nếu chưa quen bạn sẽ cảm thấy hơi thô và cứng, gây ra cảm giác nham nháp ở cổ họng do gạo còn lớp vỏ cám ở ngoài. Do nhu cầu tiêu dùng, khi xát gạo, người ta thường làm kĩ để loại bỏ lớp lụa bên ngoài để hạt gạo được sáng, đẹp mắt và dễ ăn hơn. Tuy nhiên loại gạo này lại không nhiều dinh dưỡng bằng gạo lứt.
2. Phân biệt các loại gạo lứt
Phân biệt theo màu gạo
Do gạo lứt giữ loại vỏ cám gạo bên ngoài. Chính vì thế mà gạo lứt được chia làm 3 màu: trắng ngà, đỏ và đen.
Gạo lứt trắng
Đây là loại gạo được sản xuất nhiều nhất và phù hợp với nhiều lứa tuổi. Loại gạo này có màu trắng ngà hoặc trắng ngả nâu vàng, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy tại các cửa hàng bán gạo hay siêu thị.
Gạo lứt đỏ
Gạo lứt đỏ thường có màu đỏ nâu nên thường bị nhầm với gạo huyết rồng.
Cách phân biệt là bạn tách đôi thử hạt gạo, nếu thấy phần lõi bên trong có màu trắng là gạo lứt đỏ. Còn đối với gạo huyết rồng thì sẽ màu đỏ sẫm bên trong.
Gạo lứt đen
Gạo lứt đen thường sẽ có màu tím than, chứ không phải màu đen hoàn toàn. Loại gạo này có lượng đường thấp, hàm lượng chất xơ và hợp chất thực vật cực kì cao, tạo cảm giác no lâu và giảm sự thèm ăn, giúp thúc đẩy quá trình giảm cân.
Phân biệt theo chất gạo
Gạo lứt tẻ
Gạo lứt tẻ thường sẽ khá giống với các loại gạo trắng dùng để nấu cơm hằng ngày, chỉ khác một chút là gạo lứt tẻ sẽ có màu trắng ngà do còn nguyên lớp vỏ cám.
Gạo lứt tẻ được chia làm 2 loại là gạo lứt tẻ tròn và gạo lứt tẻ dài. Trước khi nấu gạo lứt, bạn cần ngâm gạo trong vòng 1 – 2 tiếng để hạt gạo được nở ra, như vậy khi mang đi nấu gạo sẽ mềm, dẻo hơn.
Gạo lứt nếp
Loại gạo này bắt nguồn từ những loại nếp khác nhau như nếp than, nếp hương, nếp hoa vàng,… Gạo lứt nếp thường dùng để nấu xôi, nấu chè do hạt gạo sau vẫn giữ được độ dính và dẻo.
3. Cách chọn mua gạo lứt ngon
Tuỳ vào sở thích, bạn có thể tuỳ chọn 1 trong các loại gạo lứt đã nêu trên nhé.
Khi mua, bạn nên sờ thử vào hạt gạo lứt, lớp ngoài hơi thô ráp, sáng bóng do lớp cám bao phủ bên ngoài.
Nên chọn mua hạt gạo còn nguyên hạt, không bị bể nát, mùi thơm đặc trưng của gạo mới.
Tránh chọn mua gạo đã cũ, hoặc bị mối mọt. Do các loại gạo này đã để lâu và đã bị mất chất dinh dưỡng khá nhiều.
4. Cách nấu cơm gạo lứt bằng nồi cơm điện
Bước 1: Bắt đầu vo và ngâm gạo
Đầu tiên, bạn tiến hành vo gạo. Vì gạo lứt rất cứng bạn cần ngâm gạo lứt bằng nước ấm trong 45 phút hoặc qua đêm để hạt gạo mềm, dẻo và dễ ăn hơn.
Bước 2: Đong nước để nấu cơm
Cho nước vào nồi với tỉ lệ nước-gạo là 2:1. Bạn có thể dùng nước ngâm gạo để nấu cơm, như thế sẽ giữ lại chất dinh dưỡng của gạo lứt.
Lưu ý: Lượng nước cho vào để nấu dựa theo lượng gạo ban đầu trước khi ngâm. Bạn không nên cho nước dựa theo lượng gạo sau khi ngâm, vì lúc này gạo đã ngấm nước và nở ra, khi nấu cơm rất dễ bị nhão, ảnh hưởng đến độ ngon của cơm.
Bước 3: Tiến hành nấu cơm gạo lứt
Cắm điện và bật nút nấu. Khi cơm chín, nồi sẽ tự động chuyển sang chế độ Warm, đợi thêm 10-15 phút nữa cho cơm mềm và chín đều hơn.
Xới tơi cơm rồi múc ra bát và bắt đầu thưởng thức.
Do cơm gạo lứt thường cứng và dai hơn gạo thông thường nên khi ăn, bạn nên ăn chậm, nhai thật kĩ để gạo được tiêu hóa tốt nhất và hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng nhất từ cơm gạo lứt.